Biện pháp phòng chống cháy nổ

Biện pháp phòng chống cháy nổ

Việc phòng ngừa cháy, nổ ở các cửa hàng kinh doanh là rất cần thiết. Để bảo đảm an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, vì vậy các chủ hộ gia đình và người dân khi sử dụng nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây:

1. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy ở trong nhà. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

2. Phải lắp thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, Aptomat...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

3. Không bày hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

4. Không bố trí nơi đun nấu tại cửa hàng kinh doanh và không để hàng hóa, các vật dụng dễ cháy gần bếp ăn.

5. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngũ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

6. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

7. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng.

8. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.

9. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thành xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

10. Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114.

BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CHÁY NỔ TRONG KHU DÂN CƯ

1. Không để các vật dễ cháy gần thiết bị điện tiêu thụ điện

2. Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng dầu… phải đảm bảo kín.

3. Không tự ý câu mắc điện. Các đường dây điện phải đi âm tường hoặc lắp đặt gọn gàng.

4. Không dùng quá nhiều thiết bị điện chung một ổ cắm, đặc biệt các thiết bị có công suất lớn.

5. Không lắp đặt, câu mắc cầu dao hoặc ổ cắm điện ở những nơi ẩm ướt và phải cách xa tầm tay trẻ em.

6. Không hâm, nấu đồ ăn khi không có người trông coi.

7. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi; không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

8. Không để bình gas gần bếp nấu. Phải thường xuyên kiểm tra bếp, ống dẫn và bình gas.

9. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

10. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

11. Không lưu trữ những chất dễ cháy trong nhà.

12. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp…để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

13. Không để các vật dụng gây cản trở hành lang và cầu thang bộ thoát hiểm.

14. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

15. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quang biết, gọi điện thoại cho đội Bảo vệ Phú Mỹ Hưng theo số (08) 54.113113, Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc Công an phường gần nhất; đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

KỸ NĂNG THOÁT NẠN RA KHỎI NHÀ ĐANG CHÁY

1. Đối với nhà cao tầng:

– Hãy bình tĩnh suy sét, lựa chọn giải pháp.

– Cúp cầu dao điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

– Nếu không dập được hãy ra khỏi phòng bị cháy và đóng cửa lại.

– Sử dụng thang bộ để thoát hiểm ra ngoài tòa nhà (không sử dụng thang máy). Nếu là tòa nhà mới đến lần đầu, có thể tìm lối thoát hiểm theo hướng chỉ dẫn của các đèn Exit

– Trên đường thoát nạn hãy báo cho mọi người cùng biết bằng cách nhấn chuông báo cháy khẩn cấp hoặc gõ cửa, hô hoán.

– Nếu phải băng qua lửa hãy dùng áo, khăn trải bàn, chăn…bằng chất liệu cottong nhúng ướt trùm lên đầu, lên người.

– Khi di chuyển qua vùng có khói dày, hãy sử dụng khăn ướt bịt mũi miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc, khum người di chuyển càng thấp càng tốt. Khi di chuyển nên men sát chân tường, sẽ giúp di chuyển nhanh và an toàn hơn.

– Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ bên ngoài trước khi mở bằng cách dùng tay chạm nhẹ vào núm xoay hoặc tay vặn bằng kim loại trên cửa. Nếu rất nóng tức là nhiệt độ bên ngoài rất cao và ngược lại

– Khi mở cửa phải hé từ từ, nấp toàn thân sau cánh cửa và hạ cơ thể thấp nhất có thể so với mặt sàn để đề phòng lửa tạt.

– Nếu nhiệt độ bên ngoài quá cao, tuyệt đối không được mở cửa. Dùng vải, giẻ ướt nhét vào những khe hở hoặc dùng băng keo dán chặt những nơi khói có thể len vào. Sau đó tìm cách thoát sang phòng khác.

– Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ngoài ban công sử dụng các phương tiện thoát nạn khác để thoát thân hoặc kêu cứu, sử dụng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho các lực lượng cứu nạn – cứu hộ chuyên nghiệp cứu giúp.

– Tuyệt đối không nhảy ra ngoài tòa nhà trừ trường hợp ở tầng thấp và có nệm hơi cứ hộ bên dưới hoặc trường hợp khác theo sự chỉ dẫn của lực lượng chuyên ngành.

2. Đối với nhà thấp tầng:

– Bằng biện pháp nhanh nhất, thông báo cho mọi người trong nhà biết để kịp hỗ trợ xử lý hoặc thoát ra ngoài an toàn.

– Cúp cầu giao điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa ngay từ khi mới phát sinh.

– Nếu không dập được hãy nhanh chóng thoát ra ngoài và đóng cửa lại.

– Tìm mọi cách báo cháy cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho đội Bảo vệ Phú Mỹ Hưng theo số (08) 54.113113, Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc Công an phường gần nhất.

– Nếu phải băng qua lửa hãy dùng áo, khăn trải bàn, chăn…bằng chất liệu cottong nhúng ướt trùm lên đầu, lên người.

– Khi di chuyển qua vùng có khói dày, hãy sử dụng khăn ướt bịt mũi miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc, khum người di chuyển càng thấp càng tốt. Khi di chuyển nên men sát chân tường, sẽ giúp di chuyển nhanh và an toàn hơn.

– Nếu không thể thoát ra ngoài bằng các cửa, hãy sử dụng búa tạ đập tường để tạo lối thoát ra ngoài.

MỘT SỐ DỤNG CỤ, PHƯƠNG TIỆNPHỤC VỤ HIỆU QUẢ CHO HỘ GIA ĐÌNH KHI CÓ TÌNH HUỐNG CHÁY NỔ XẢY RA

– Bình chữa cháy mini: Nhỏ gọn, nhẹ nhàng, dễ sử dụng; sử dụng để dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu; chữa cháy hiệu quả với hầu hết các loại chất cháy thông thường (kể cả xăng dầu).

– Bộ công cụ phá rỡ (gồm búa tạ, xà beng và kìm cộng lực): Sử dụng để phá cửa, đập tường mở đường thoát nạn đến nơi an toàn trong trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính.

– Mặt nạ phòng chống khói khí độc: Giúp các thành viên trong gia đình thoát nạn an toàn, không bị nhiễm khói khí độc.

– Túi y tế với thuốc men và các vật dụng cần thiết.

– Quần, áo, găng tay, ủng chịu nhiệt độ cao: Loại tốt có thể giúp người mặc an toàn ngay cả khi nhiệt độ cháy lên đến trên 1000 oC (Lưu ý: Giá thành rất cao).

– Đèn pin: Giúp ta đỡ hoảng loạn và dễ tìm dường thoát nạn hơn trong điều kiện bị cúp điện, không có ánh sáng; có thể dùng để ra hiệu cho các thành viên khác cùng thoát hiểm; có thể làm tín hiệu cầu cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Lượt xem: 986
Tin liên quan